Phẫu thuật hàm hô – Cắt xương hàm chỉnh hô
Xương hàm của nhiều phụ nữ Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng thường có xu hướng nhô về phía trước hơn là phụ nữ da trắng. Trong hơn 5 năm qua, kể từ khi triển khai kỹ thuật cắt xương hàm Wassmund, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM đã thực hiện trên 500 ca chỉnh hô. TS-BS Lê Tấn Hùng, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện đã có những phân tích và lý giải về kỹ thuật này.
Chỉnh nha – bất tiện cho người trưởng thành
Trước đây, chỉnh nha là kỹ thuật phổ biến để giải quyết tình trạng răng hô. Theo đó, tùy theo tình trạng bệnh nhân bị hô một hoặc hai hàm, các bác sĩ sẽ nhổ các răng cối nhỏ ở hàm trên hoặc cả hai hàm để kéo răng vào. Việc này thường bắt đầu và sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn khi trẻ vừa trải qua thời gian thay răng sữa.
Mặc dù có ưu điểm lớn là khắc phục được tình trạng răng hô cho những người bị mắc khiếm khuyết này, song việc chỉnh nha ở người trưởng thành cũng có nhiều vấn đề đáng ngại. Đó là thời gian sẽ kéo dài khoảng ba, bốn năm và phức tạp hơn bởi những khó khăn trong việc đạt được sự di chuyển răng sinh lý. Mặt khác, việc phải đeo mắc cài khi chỉnh nha sẽ gây mất thẩm mỹ và khó khăn trong quá trình giao tiếp xã hội. Một số bệnh lý nha chu thường xảy ra khi người trưởng thành chỉnh nha: răng bị lung lay, bị yếu… Cũng cần lưu ý thêm về khả năng tái phát sau khi hoàn thiện việc chỉnh nha, chẳng hạn, răng sẽ quay về vị trí cũ, vẫn bị hô hoặc bị thưa, xoay, lệch so với hàm.
Riêng với tình trạng hô do xương hàm phát triển quá mức thì chỉnh nha không thể can thiệp được. Nếu cố gắng thực hiện, chỉ có thể kéo phần răng vào, còn phần xương hàm lại có xu hướng đẩy ra thêm, môi trên vẫn dày và cười hở nướu.
Wassmund – kỹ thuật cắt bỏ khiếm khuyết
Ngày nay, việc phẫu thuật tạo hình để chỉnh xương hàm đang trở nên phổ biến. Ở phương pháp này, hình dung xương hàm như một khúc gỗ, bác sĩ – người thợ cưa sẽ cắt bỏ một phần của xương hàm, như kiểu cắt khúc gỗ để lấy bỏ đi một miếng gỗ ở vị trí phù hợp, rồi di chuyển phần được cắt rời về phía sau và cố định hai phần lại với nhau bằng các đinh vít chuyên dụng. Với cách này, trước đó cũng cần nhổ hai răng cối nhỏ ở hàm trên và/hoặc hai răng cối nhỏ hàm dưới. Phần xương hàm bị cắt tương ứng với phần xương của những răng bị nhổ.
Người bị hô, đa số do phần xương hàm phát triển quá mức, phần khác do phần răng bị vẩu ra. Khi bị hô còn bao hàm một số đặc điểm: cười hở nướu, môi trên dày. Ưu điểm quan trọng nhất của kỹ thuật Wassmund là cùng lúc có thể giải quyết được mọi tình trạng khiếm khuyết: bệnh nhân hết hô hoàn toàn ngay sau mổ, khung xương hàm trở nên bình thường, vừa vặn với khuôn miệng, bờ môi được cuộn vào và mất luôn tình trạng cười hở nướu.
Lưu ý, nếu dùng phẫu thuật thông thường như cắt môi cho nhỏ lại hoặc kéo dài môi xuống để giải quyết tình trạng cười lộ nướu do hô xương gây ra thì sẽ không có giá trị. Bởi nếu kéo dài môi để che nướu thì môi sẽ càng trề thêm, rất xấu, còn nếu cắt cho môi nhỏ lại, để môi bớt dày thì sau một thời gian môi trở lại tình trạng cũ vì chịu phản lực của xương hàm nhô.
Phẫu thuật xương hàm Wassmund có tỷ lệ tai biến và khả năng tái phát thấp, vì người được mổ đã qua giai đoạn đỉnh của sự phát triển. Có thể áp dụng với người từ 18 đến 60 tuổi.
Những biến chứng có thể xảy ra
Phẫu thuật xương hàm có thể xảy ra nhiều tai biến nếu bác sĩ kém kinh nghiệm và non tay nghề. Thứ nhất, đoạn xương hàm bị cắt rời phía trước có khả năng bị hoại tử. Thứ hai, hai phần xương bị cắt rời sau khi ráp lại vẫn không liền được. Nguyên nhân do khi phẫu thuật, bác sĩ làm rách phần niêm mạc khẩu cái (phần nuôi dưỡng đoạn xương hàm phía trước). Khi đó, người bệnh sẽ bị móm vĩnh viễn và phải phục hình lại bằng đeo hàm giả. Thứ ba là vết mổ bị nhiễm trùng, bắt nguồn từ việc người bệnh không vệ sinh kỹ sau mổ, hoặc do dụng cụ sử dụng trong quá trình mổ bị nhiễm khuẩn, cũng có thể do bác sĩ làm xương bị cháy trong lúc phẫu thuật. Nhiễm trùng khiến quá trình liền xương kéo dài hoặc liền không tốt, thậm chí xương không liền dẫn đến hoại tử, khớp giả.
Một ca phẫu thuật xương hàm kéo dài khoảng ba-bốn giờ đồng hồ. Người bệnh sẽ cần ở lại bệnh viện thêm khoảng hai ngày. Chi phí cho một ca phẫu thuật là 40 triệu đồng nếu mổ một hàm, và 70 triệu đồng nếu thực hiện cả hai hàm (bao gồm cả viện phí). Đinh vít dùng để kết nối hai phần xương hàm không cần phải tháo ra vì gần như không gây dị ứng. Nếu bệnh nhân muốn tháo ra thì cần đợi khoảng sáu tháng sau, chi phí thực hiện khoảng năm-bảy triệu đồng/ca, tuy nhiên, điều này không thực sự cần thiết. Một tuần sau khi mổ không được đánh răng, chỉ súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc các loại nước súc miệng (có bán trên thị trường) để sát trùng, tan máu ứ đọng và đàm nhớt. Trong tháng đầu tiên sau mổ không được nhai, chỉ ăn thức ăn lỏng, nguội. Cần bổ sung nhiều thức ăn giàu chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất như thịt bò, tôm, cua, uống nhiều nước cam để vết mổ chóng liền xương.