Tạo má lúm đồng tiền – TS BS Lê Tấn Hùng

1544

PNCN – LÚM ĐỒNG TIỀN VÀ ĐỒNG ĐIẾU LÀ DO CẤU TẠO BẨM SINH. LÚM ĐỒNG TIỀN THƯỜNG TO, TRÒN, NẰM Ở TRÊN MÁ. LÚM ĐỒNG ĐIẾU THÌ NHỎ HƠN VÀ THƯỜNG NẰM GẦN MIỆNG. NGÀY NAY, NGÀNH GIẢI PHẪU THẨM MỸ CÓ THỂ GIÚP BẠN TẠO LÚM DUYÊN MỘT CÁCH DỄ DÀNG.

Má lúm đồng tiền

Theo BS Trần Ngọc Lĩnh, khoa Tạo hình thẩm mỹ, BV ĐH Y Dược TP.HCM, ai không có lúm đồng tiền, đồng điếu bẩm sinh nếu muốn đều có thể phẫu thuật tạo lúm được. Khuôn mặt thích hợp tạo lúm tùy vào nền văn hóa, quan điểm thẩm mỹ mỗi người. Tuy nhiên, quan niệm của người phương Đông thường cho rằng, lúm đồng tiền sẽ giúp phụ nữ duyên và thu hút người khác. Đặc biệt, những khuôn mặt bầu bĩnh, tròn trịa, nếu điểm xuyết lúm đồng tiền trên má trông sẽ đẹp, đáng yêu hơn. Những khuôn mặt thon, dài thì phù hợp để tạo đồng điếu. Những khuôn mặt nhọn hay vuông hoặc góc cạnh như nam giới thì không nên tạo lúm đồng tiền, đồng điếu vì không đẹp, không phù hợp. Theo quan điểm tướng số, người có lúm đồng tiền thì có tướng phú quý, tình cảm, nhiều bạn, sung túc, đào hoa… Do vậy gần đây, không chỉ quan tâm về mặt thẩm mỹ, nhiều người có xu hướng tạo lúm đồng tiền còn vì mong muốn được thay đổi số phận.
Những người có lúm đồng tiền, đồng điếu bẩm sinh, một – hai điểm vùng da trên má, rãnh má đã được dính với phần cơ mút, nên khi họ cười, chuyển động cơ mặt sẽ tạo nên những điểm lõm mà ta gọi là đồng tiền hay đồng điếu. Phần đông mọi người sẽ không có đặc điểm này vì giữa cơ mút và da vốn có một lớp mỡ ngăn cách. Do đó, để tạo lúm đồng tiền hay đồng điếu, chỉ có một cách thực hiện là phẫu thuật, cạo sạch lớp mỡ giữa cơ mút và da. Sau đó, khâu đính vị trí da nơi muốn tạo đồng tiền/đồng điếu vào cơ mút. Chi phí phẫu thuật khoảng bốn triệu đồng/bên. ThS-BS Lê Tấn Hùng, Trưởng khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV Răng Hàm Mặt TP.HCM, cho biết.
Trong tháng đầu tiên sau khi phẫu thuật, đồng tiền/đồng điếu sẽ luôn xuất hiện trên mặt dù bạn không cười. Nguyên nhân do chỉ may chưa tiêu, tùy cơ địa, khoảng một tháng sau, khi chỉ tự tiêu, cơ mặt bạn sẽ đầy trở lại, chỉ khi bạn cười hay chuyển động cơ mặt thì “đồng duyên” mới xuất hiện. Hầu hết các trường hợp, “đồng duyên” sẽ ở mãi với bạn. Tuy nhiên, nó cũng có thể mất hoặc mờ dần trong trường hợp bạn trở nên béo phì (lớp mỡ tăng sinh khiến da không còn dính với cơ mút) hoặc da mặt bị lão hóa, bị chùng nhăn.

Sau khi phẫu thuật, người làm đẹp cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tránh nhiễm trùng. Súc miệng bằng nước muối sinh lý nhiều lần trong ngày. Kiêng ăn thực phẩm quá nóng, quá lạnh, cay, những thực phẩm dễ tạo mủ… trong tuần đầu tiên.
BS Trần Ngọc Lĩnh lưu ý một số trường hợp chống chỉ định tạo lúm đồng tiền như: có nhiễm trùng tại vùng định tạo lúm, yếu liệt cơ vùng má, teo mô tại vùng má hay hai bên mặt không cân xứng. Phẫu thuật tạo lúm đồng tiền, đồng điếu có thể gặp các sai lầm như: lỏng tuột chỉ khâu, tạo lúm lệch vị trí mong muốn, không cân xứng khi tạo hai bên, lúm to hay sâu quá đến mức không cười vẫn lõm sâu… May mắn là những biến chứng này vẫn có thể khắc phục bằng cách tháo chỉ để đưa về trạng thái ban đầu. Về việc có tiếp tục tạo lúm được hay không cần phải chờ một thời gian để vết thương hết phù nề, ổn định thì mới có thể đánh giá chính xác.
Tuy nhiên, theo BS Lê Tấn Hùng, phẫu thuật này cũng có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, gây méo miệng, đứt ống dẫn nước bọt hay đứt dây thần kinh mặt… nếu bác sĩ thực hiện thiếu kinh nghiệm hoặc non tay nghề.
Do vậy, để tránh những rủi ro khi làm đẹp, bạn nên chọn những nơi được cấp phép hành nghề, có uy tín, bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên môn cao. Để đồng tiền, đồng điếu thực sự là “đồng duyên”, bạn cần có sự thống nhất với bác sĩ về quan điểm thẩm mỹ, về giải phẫu người, mỹ thuật, văn hóa…
Hòa Ân