Tạo gương mặt trái xoan – TS BS Lê Tấn Hùng

1774

Phẫu thuật tạo khuôn mặt trái xoan

Có được một khuôn mặt thon dài như trái xoan là ước mơ của không ít cô gái. Với công nghệ tạo hình hiện đại, nhiều khuôn mặt vuông, góc cạnh hay “sát phu” đã được các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ chuyển thành mặt trái xoan như mong ước… Tuy nhiên, không phải khuôn mặt nào cũng có thể tạo thành khuôn mặt trái xoan được. TS.BS. Lê Tấn Hùng, phó trưởng khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV. răng hàm mặt TP.HCM cho biết: Khuôn mặt trái xoan được tạo nên bởi 3 thành phần là xương sọ, xương gò má và xương hàm dưới. Phẫu thuật tạo hình có thể can thiệp tình trạng gò má cao, gương mặt vuông hay quá góc cạnh nhưng cũng có giới hạn. Bởi nếu thu nhỏ xương gò má quá mức có thể làm cản trở vận động của xương hàm dưới, thậm chí khiến bệnh nhân không há được miệng. Việc cắt xương hàm dưới cũng có giới hạn là không được làm tổn thương thần kinh đi trong xương hàm dưới. Với nhiều người, dây thần kinh này bị thòng xuống sát bờ xương hàm dưới nên rất khó có thể tạo gương mặt trái xoan. Ngoài ra, phẫu thuật này sẽ không thể thực hiện đối với những người có “đầu to” (khung xương sọ to), những người có bệnh lý toàn thân như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch… vì dễ bị tai biến trong quá trình phẫu thuật và hậu phẫu.

Thưa thạc sĩ, kỹ thuật tạo gương mặt trái xoan hiện nay có những ưu điểm gì so với kỹ thuật trước đây?

Phẫu thuật tạo gương mặt trái xoan gồm hai kỹ thuật chính là phẫu thuật thu nhỏ gò má và phẫu thuật cắt góc hàm. Với phẫu thuật thu nhỏ gò má, bác sĩ sẽ cắt rời xương gò má, sau đó sẽ di chuyển chúng về vị trí mong muốn và cố định bằng nẹp vit chuyên dụng. Kỹ thuật này có thể hạ thấp gò má cao hơn 10 mm (kỹ thuật mài xương gò má trước đây chỉ hạ thấp chưa đến 1 mm). Kỹ thuật này sẽ giúp các “quý cô” có gương mặt “sát phu” được điều trị khỏi hoàn toàn.

Bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật cắt góc hàm qua đường mổ trong miệng để điều trị cho những bệnh nhân có xương hàm dưới thô, gồ. Kỹ thuật này sẽ giúp tránh được những tai biến như đứt thần kinh mặt hay sẹo xấu… so với kỹ thuật sử dụng đường rạch ngoài mặt trước đây. Có thể quan sát trực tiếp tất cả các vùng mổ trong phẫu thuật tạo gương mặt trái xoan vì vậy không cần thiết phải sử dụng nội soi trong phẫu thuật này (nội soi trong y khoa chỉ giúp hỗ trợ cho bác sĩ thấy được những vùng không thể quan sát trực tiếp được).

Gần đây, nhiều cơ sở quảng cáo tạo gương mặt trái xoan do bác sĩ Hàn Quốc trực tiếp làm phẫu thuật. Thạc sĩ có nhận xét gì về hoạt động ở những nơi này?

Phẫu thuật tạo gương mặt trái xoan được xếp loại đại phẫu nên đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề và trình độ chuyên môn rất cao trong lĩnh vực này. Về mặt quản lý Nhà nước, bất cứ bác sĩ nào nuốn hành nghề trên lãnh thổ Việt Nam, trước hết phải được phép hành nghề về chuyên môn đó ở nước sở tại và phải được cấp phép của Bộ y tế Việt Nam. Thực tế là chưa có bất kỳ bác sĩ Hàn Quốc nào được cấp phép tạo hình gương mặt trái xoan tại Việt Nam. Hơn nữa một BS giỏi về lĩnh vực này tại Hàn Quốc sẽ có thu nhập, điều kiện, ê kíp và môi trường làm việc hơn hẳn tại Việt Nam rất nhiều nên hiếm có BS Hàn Quốc giỏi về lĩnh vực này làm việc lâu dài tại Việt Nam. Có chăng chỉ là những BS Hàn Quốc dùng bệnh nhân Việt Nam nhằm nâng cao tay nghề hoặc quảng cáo cho các cơ sở thẩm mỹ.

Những biến chứng có thể gặp trong tạo hình gương mặt?

Trình độ phẫu thuật tạo hình gương mặt trái xoan của bác sĩ Việt Nam không thua kém bất kỳ nơi nào trên thế giới. Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ BV răng hàm mặt TP.HCM, đã thực hiện trên 300 trường hợp phẫu thuật tạo hình gương mặt trái xoan, với độ an toàn gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay có rất ít bác sĩ có khả năng thực hiện được phẫu thuật này. Vì vậy khi có nhu cầu, bệnh nhân nên được khám, điều trị ở những bác sĩ có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhằm hạn chế tối đa những tai biến có thể xảy ra như:

– Biến chứng của phẫu thuật tạo hình gò má: tạo hình gò má được thực hiện không đúng có thể có nhiều biến chứng, hầu hết là gây ra sự bất đối xứng.

– Biến chứng của phẫu thuật tạo hình góc hàm: bao gồm chảy máu, tụ máu, nhiễm trùng, bất đối xứng, chỉnh chưa đủ mức, chỉnh quá mức, gãy lồi cầu và liệt thần kinh mặt. Cắt bỏ cơ cắn vùng góc hàm có thể gây ra chảy máu, sưng nặng nề và kéo dài, khít hàm và nguy cơ liệt thần kinh mặt.

– Góc hàm dưới bất đối xứng hoặc chỉnh chưa đủ có thể cần phẫu thuật lại. Chỉnh quá mức có thể được điều trị bằng cách tăng thể tích vùng góc hàm dưới với ghép mỡ, xương tự thân hoặc vật liệu tổng hợp.

– Gãy lồi cầu: có thể xảy ra do cắt mù xương góc hàm hoặc do dùng cây cắt xương thay vì dùng cưa để hoàn tất một đường cắt xương. Gãy lồi cầu không di lệch được điều trị bằng cách cố định liên hàm trong 4 tuần, có thể được điều trị bằng nắn chỉnh hở trước khi cố định liên hàm. Liệt thần kinh mặt có thể xảy ra do kết quả của sự kéo hoặc chấn thương trực tiếp vào thần kinh mặt…

Thời gian nằm viện và chi phí cho phẫu thuật dạng này?

Bệnh nhân sẽ được nằm viện khoảng 2 – 5 ngày, sau 1 tuần bệnh nhân có thể làm việc và sinh hoạt bình thường. Sau 6 tháng thì khuôn mặt mới hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân nên giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau phẫu thuật và ăn những thức ăn lỏng, mềm như sữa, cháo… Chi phí phẫu thuật tại nước ngoài khoảng 300 – 500 triệu đồng, tại Việt Nam khoảng 70 – 90 triệu đồng.